Soạn văn: Viết bài tập làm văn số 1
Để giúp các em học sinh học tốt môn Ngữ Văn lớp 9, hocthattot.vn đã sưu tầm, biên soạn các bài soạn văn phong phú từ ngắn gọn, đầy đủ đến chi tiết.
Trong bài học này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài học về “Viết bài tập làm văn số 1″.
Nội dung chính
1. SOẠN VĂN VIẾT BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 1 SIÊU NGẮN
Đề bài tham khảo
Đề 1: Cây lúa Viêt Nam
Đề 2: Cây … ở quê em.
Đề 3: Một loài động vật hay nuôi ở quê em.
Đề 4: Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh ở quê em.
Yêu cầu
1. Điều tra, tìm hiểu để nắm bắt đúng đặc điểm cơ bản của đối tượng thuyết minh.
2. Biết kết hợp phương pháp thuyết minh với một số biện pháp nghệ thuật và miêu tả trong bài viết.
Trả lời:
Đề 1: Thuyết minh về cây lúa nước Việt Nam.
Dàn ý
I. Mở bài: Giới thiệu chung về cây lúa
II. Thân bài:
Nguồn gốc:
– Trồng lúa có nguồn gốc từ rất lâu rồi, từ thời cổ đại, khi con người bắt đầu biết trồng trọt và chăn nuôi
Đặc điểm:
– Lúa là loại cây lương thực quan trọng nhất thuộc nhóm ngũ cốc.
– Lúa là cây có một lá mầm, rễ chùm, thân cỏ rỗng
– Lá lúa có phiến dài mỏng, mọc bao quanh thân
– Hoa lưỡng tính, không có bao hoa; quả có vỏ trấu bao ngoài gọi là hạt thóc.
– Khi lúa chín, cả thân, lá, quả đều ngả màu vàng
– Hạt gạo nằm bên trong vỏ trấu màu trắng…
Các loại lúa:
– Căn cứ vào giống: lúa nếp, tẻ, nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, khang dân
– Căn cứ vào thời vụ gieo trồng, có: lúa chiêm, lúa mùa, lúa xuân hè, lúa hè thu,…
– Căn cứ cách gieo trồng, có: lúa cấy, lúa sạ, lúa trời,…
Ích lợi và vai trò của cây lúa:
– Là cây lương thực chính nuôi sống con
– Lúa xay ra gạo dùng để xuất khẩu
– Lúa gạo dùng để chăn nuôi
– Lúa còn chế biến ra nhiều sản phẩm như: bánh, cốm, rượu,…
– Cây lúa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam: cây lúa gắn với những câu ca dao tục ngữ, với truyền thống nông nghiệp, với làng quê Việt Nam
– Nhánh lúa vàng được thể hiện trên quốc huy nước Việt Nam dân chủ công hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Bó lúa còn là biểu trưng cho tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc Đông NamÁ trên lá cờ ASIAN.
Cách gieo trồng chăm sóc lúa:
– Trồng trên ruộng nước
– Chăm sóc lúa gồm nhiều công việc: làm cỏ, sục bùn, diệt cỏ dại, kích thích ra rễ mới, tưới nước, bó phân…
III. Kết bài:
– Cảm nghĩ chung về cây lúa.
Đề 2: Cây … ở quê em. (Cây tre)
Dàn ý
I. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về cây tre Việt Nam
II. Thân bài:
Nguồn gốc:
– Cây tre đã có từ lâu đời, gắn bó với người dân Việt Nam từ thuở xa xưa
– Tre xuất có ở khắp mọi nơi trên mọi miền Tổ quốc
Các loại tre:
– Tre có nhiều loại: tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, và cả lũy tre thân thuộc đầu làng…
Đặc điểm:
– Tre không kén chọn đất đai, thời tiết,
– Tre mọc thành từng lũy, khóm bụi
– Thân tre gầy guộc, hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần xuống gốc.Trên thân tre còn có nhiều gai nhọn.
– Lá tre mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những gân lá song song hình lưỡi mác.
– Rễ tre thuộc loại rễ chùm, cằn cỗi nhưng bám rất chắc vào đất -> giúp tre không bị đổ trước những cơn gió dữ.
– Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre ra hoa
Vai trò và ý nghĩa của cây tre đối với con người Việt Nam:
Trong lao động:
– Tre giúp người trăm công nghìn việc, là cánh tay của người nông dân.
– Làm công cụ sản xuất
Trong sinh hoạt:
– Dưới bóng tre, con người giữ gìn nền văn hóa lâu đời, làm ăn, lập nghiệp.
– Khi chưa có gạch ngói, bê tông, tre được dùng để làm những ngôi nhà tre vững chãi che nắng che mưa, nuôi sống con người.
– Những đồ dùng bằng tre: từ đôi đũa, rổ rá, nong nia cho đến giường, chõng, tủ…
– Tre gắn bó với người già, trẻ nhỏ
– Tre luôn nâng niu con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi
Trong chiến đấu:
– Tre là đồng chí…
– Tre là anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu
III. Kết bài:
Cây tre trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Trong đời sống hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn không thể rời xa tre.
Bài văn mẫu
Cây tre gắn bó với người nông dân Việt Nam từ hàng nghìn năm rồi. Hình ảnh làng quê Việt Nam từ xưa gắn liền với luỹ tre làng – những bụi tre gai ken dày chắn gió bão thiên tai và che chắn cho mỗi làng Việt trước trộm đạo, giặc cướp và kẻ xâm lược – nhân tai.
Cây tre đã đi vào văn hoá Việt Nam như một hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai chống chịu thiên tai, gió bão và giặc ngoại xâm. Thế nhưng những năm gần đây, có một thực tế đáng buồn là loại cây đa dạng, thiết thực trong mọi mặt đời sống này đã bị coi nhẹ, bị chặt phá, bị thoái hoá… bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Về tính năng, không thể kể hết tính đắc dụng của tre đối với người dân Việt Nam: làm nhà cửa (vì kèo, lanh tô, phên liếp, vách tường…), làm vô số vật dụng: cái cần câu, cái vó cất tôm cất tép, cái đó, bè mảng, cái cầu ao và cả những cái cầu bắc qua những con mương, con kênh nhỏ; làm chông, làm tên bắn chống giặt ngoại xâm…
Tre từng được sử dụng phổ biến để làm đồ gia dụng: bàn ghế, giường chõng, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh và đôi quang (thứ vật liệu đa dụng để gánh mọi thứ ra đồng và gánh lúa từ đồng về nhà, chưa kể còn được dùng như một thứ “tủ lạnh” thông thoáng để bảo quản thức ăn và chống chó, mèo, chuột hữu hiệu) đến cái khung cửi, cái xa quay sợi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái rế đựng nồi, cái gáo múc nước, cái bừa, cái cào, cái ách khoác lên cổ con trâu cày đến con dao cật nứa cắt rốn lúc chào đời, cái quạt nan, đôi đũa, cái tăm… nhiều thứ vật dụng làm bằng tre còn được dùng đến ngày nay.
Đấy là còn chưa nói tới các loại vật dụng của nhà nông, cũng như nhiều loại vũ khí thời xưa của cha ông ta đều có phần cán, phần tay cầm làm bằng một loại cây nào đó thuộc họ tre. Cây gậy tầm vông thời đánh Pháp xâm lược là một chứng tích đã đi vào lịch sử. Cây nêu dựng lên trước cửa nhà vào dịp năm mới thời xưa để trừ ma quỷ, cái ống đựng bút và quản bút lông của các nhà nho mà những năm gần đây về nơi thôn dã ta còn thấy, đến những cánh diều mà hôm nay con trẻ còn chơi… tất cả đều làm từ tre. Vật dụng ngày càng có vẻ thuận tiện hơn, có vẻ đẹp đẽ hơn đã đẩy chúng ta xa rời thứ cây nhiều lợi ích như thế. Thậm chí có một thời ấu trĩ, người ta đã chặt đi những bụi tre gai quanh làng với lý do là chúng làm đất bạc màu.Những rặng tre rợp bóng ở đường làng, nghiêng xuống nơi bờ ao không còn mấy nữa. Nhiều người quên mất rằng bao đời tổ tiên người Việt khai phá đồng bằng Bắc Bộ được như ngày hôm nay là do đắp đê chống lụt, trị thuỷ. Những triền đê được giữ vững trước nước lụt, bão tố, ngoài phần công sức của người Việt xưa bao đời bồi đắp, thì còn có phần công sức của những bụi tre có tác dụng giữ đất, chống xói lở.
Từ bao đời nay, cây tre đã có mặt hầu khắp các nẻo đường đất nước và gắn bó thủy chung với cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong tâm thức người Việt, cây tre chiếm vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả_ được xem như là biểu tượng của người Việt đất Việt,…Từ hồi bé tẹo tôi vẫn nhớ bài “Cây tre VN: Nước việt nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau,cây nào cũng đẹp,cây nào cũng quý,nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa trúc mai vầu mấy chục loại khác nhau,nhưng cùng một mần xanh mọc thẳng…”
“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…”
Cây tre, cây nứa, cây vầu, trúc,… và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ Lúa. Tre có thân rể ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân rạ hóa mộc có thể cao đến 10 -18m , ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt,… Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”.
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình_một hinh ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền, thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người Việt. Tre hiến dâng bóng mát cho đời và sẳn sàng hy sinh tất cả. Từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều góp phần xây dựng cuộc sống.
Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. “…Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc…”. Không phài ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng_ hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Àn xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh.
Mặt khác, hình tượng của cậu bé Thánh Gióng vươn vai hóa thân thành người khổng lồ rất có thể liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của cây tre (theo các nhà Thực vật học, thì cây tre phát triển điều kiện lý tưởng, có thể cao thêm từ 15 -20cm mỗi ngày). Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các lũy tre xanh đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai, đồng hóa. Tre thật sự trở thành chiến lũy và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn côngtrong các cuộc chiến. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Chính ngọn tầm vông góp phần rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược để giàng Độc lập_ Tự do cho Tổ Quốc. ” Tre giữ làng, giữ nước, giừ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,…”
Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là ngưồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích ( Nàng Ưt ống tre, cây tre trăm đốt,…) đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre : “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới và bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyễn Duy,… Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như : đàn tơ tưng, sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm… Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.
Trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thì tre ngày nay lại trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách mước ngoài ưa thích, như những mặt hàng dùng để trang trí ở những nơi sang trọng : đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre.
Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng : “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước_tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên ường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam.
Đề 3: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em. (Con trâu)
Dàn ý
I – Mở bài:
– Giới thiệu chung về hình ảnh con trâu trên đồng ruộng, làng quê Việt Nam.
II – Thân bài:
Nguồn gốc, đặc điểm của loài trâu:
– Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
– Là động vật thuộc lớp thú, lông trâu có màu xám, xám đen; thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn; bụng to; mông dốc; đuôi dài thường xuyên phe phẩy; bầu vú nhỏ; sừng hình lưỡi liềm…
– Trâu mỗi năm chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa một con…
Lợi ích của con trâu:
Trong lao động
– Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày, bừa, giúp người nông dân làm ra hạt lúa, hạt gạo.
– Là tài sản quý giá của nhà nông.
Đối với đời sống tinh thần
– Trâu là người bạn thân thiết với tuổi thơ của trẻ em ở nông thôn
– Con trâu với lễ hội ở Việt Nam:
+ Hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng.
+ Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên.
+ Là biểu tượng của Sea Game 22 Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam.
III – Kết bài:
– Khẳng định lại vai trò của con trâu trong đời sống người nông dân ở làng quê Việt Nam.
– Nêu suy nghĩ, tình cảm của bản thân.
Đề 4: Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh của quê em. (Hồ Gươm).
Dàn ý
I, Mở bài: Giới thiệu về danh lam thắng cảnh quê em: Hồ Gươm
II.Thân bài
Vị trí địa lí và diện tích
Vị trí địa lí
– Trung tâm quận Hoàn Kiếm
– Phía Đông Bắc: Đinh Tiên Hoàng
– Phía Nam: Hàng Khay
– Phía Tây: Lê Thái Tổ
Diện tích
– Diện tích của hồ là hơn 12ha và dài 700m
Tên gọi
– LỤC THỦY: vì nước hồ xanh quanh năm và là nơi sinh sống của nhiều loại tảo
– THỦY QUÂN: vì do nhà Trần sử dụng hồ làm chỗ luyện tập thủy quân.
– HỒ HOÀN KIẾM: tên gọi này bắt đầu từ thế kỷ 15, khi có truyền thuyết “Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần
– TẢ VỌNG – HỮU VỌNG: đây là cái tên có từ Thời nhà Mạc, vua cho xây đập, ngăn hồ thành hai nửa để tìm rùa thần. Sau đó, cái đập được giữ lại. Nửa hồ phía Bắc là Tả Vọng, nửa hồ phía Nam là Hữu Vọng.
Các công trình gắn liền với hồ
– Tháp Rùa
– Đền Ngọc Sơn
– Đài Nghiên Tháp Bút
– Tượng đài Lý Thái Tổ
Vai trò của hồ
– Hồ có chức năng điều hòa khí hậu
– Là nơi sinh hoạt văn hóa và các lễ hội đặc sắc của Hà nội
– Nguồn cảm hứng thơ ca và âm nhạc
– Trở thành biểu tượng cho thủ đô Hà Nội cho đất nước Việt Nam
– Gắn liền với văn hóa Tràng An
III. Kết bài
Nêu cảm nghĩ của em về Hồ Gươm
2. SOẠN VĂN VIẾT BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 1 CHI TIẾT
3. SOẠN VĂN VIẾT BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 1 HAY NHẤT
Soạn văn: Viết bài tập làm văn số 1 (chi tiết)
Học sinh xem đề bài bên trên.
Lời giải
Đề 1
Dàn ý: Cây lúa Việt Nam
Mở bài: Giới thiệu chung về sự gắn bó cây lúa trên đồng ruộng Việt Nam (có thể dẫn thêm ca dao, tục ngữ về cây lúa).
Thân bài:
– Khái quát vai trò quan trọng của cây lúa với nền nông nghiệp Việt Nam. Đó không chỉ là nguồn lương thực chủ yếu mà còn là truyền thống.
– Đặc điểm cây lúa :
+ Sống chủ yếu nhờ nước nên được gọi là lúa nước.
+ Thân cây thẳng, nhỏ và dài, cao chừng 60 – 80cm.
+ Cấu tạo : rễ, thân, ngọn.
– Phân loại : có hai loại là lúa nếp (nấu lên dẻo và mềm) và lúa tẻ (là hạt lúa làm nên bữa cơm hàng ngày, khi nấu sẽ nở ra).
– Cách trồng lúa :
+ Gieo giống : hạt lúa sau khi ngâm ủ kĩ càng được gieo mọc thành mạ.
+ Cấy lúa : cấy mạ xuống đất (đất đã ngập nước được một thời gian để đất mềm), phù hợp với giống cây ưa nước.
+ Chăm sóc : thường xuyên thăm lúa để phát hiện sâu, chuột,… Giai đoạn này đôi khi gặp phải mưa bão sẽ rất vất vả.
+ Gặt lúa : khi lúa trĩu bông chín vàng thì gặt về và phơi phóng, bảo quản.
– Sản phẩm từ cây lúa :
+ Lương thực thiết yếu.
+ Làm nên nhiều đặc sản vùng miền các nơi : các loại bánh, cốm, cơm lam,…
+ Lá, thân lúa làm rơm rạ, thức ăn trâu bò…
+ Gắn với truyền thống lâu đời của nước ta, liên quan đến một số lễ hội.
+ Là gương mặt nông thôn Việt, là tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê.
Kết bài: Cây lúa vô cùng quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam.
Bài văn mẫu
Ông cha ta xưa đã từng có câu:
Trời mưa cho lúa thêm bông
Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền
Là một nước có nền văn hóa nông nghiệp, nên lúa nước là một loài cây vô cùng quan trọng đối với nhân dân ta. Cây lúa gắn bó, gần gũi với đời sống nhân dân hàng ngày, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về giá trị, ý nghĩa của nó.
Cùng với ngô, sắn, khoai tây và lúa mì, lúa là một trong năm loại lương thực chính của thế giới. Có nhiều giả thuyết cho rằng, lúa châu Á có nguồn gốc tổ tiên là loài cây hoang dại, có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, Việt Nam ta chính là một trong những nơi đầu tiên có lúa trên trái đất. Ngoài ra giống lúa châu Phi, được thuần hóa từ 3500 năm trước công nguyên. Còn riêng cây lúa đối với Việt Nam đã xuất hiện từ thời văn hóa Phùng Nguyên khoảng 3500 – 2500 TCN, vào khoảng thời gian này người ta đã tìm thấy công cụ trồng lúa nước. Đến thời đại Văn Lang Âu Lạc thì nền nông nghiệp lúa nước của ta đã phát triển rực rỡ.
Lúa là loài thực vật nhóm cỏ, đã được con người thuần dưỡng hàng nghìn năm nay. Lúa có độ cao từ từ 60 – 80 cm, thân từ 2 – 3cm, lá lúa dẹt, mỏng và dài. Ở mỗi giai đoạn sinh trưởng khác nhau lúa sẽ có màu sắc lá thay đổi. Lúa là loại dễ chùm, thường được trồng ở những vùng nước, ngoài ra cũng có loại lúa trồng cạn, nhưng loại này ít phổ biến hơn. Lúa cần ngập một phần trong nước để đảm bảo luôn có lượng nước cần thiết cho chúng phát triển và hạn chế sự phát triển các loài cỏ dại. Ngoài ra ở một số vùng nước cao cây lúa có thể cao từ 1m đến 1m8, loại này được gọi là lúa nổi, thân chúng dài như vậy để tránh úng nước, dẫn đến thối, hỏng. Lúa không cần các loài côn trùng, hay các tác nhân như gió để thụ phấn, mà chúng là loại tự thụ phấn, sau khi thụ phấn phôi nhũ phát triển thành hạt, chất tinh bột từ dạng lỏng, qua thời gian sẽ đông đặc lại và có màu trắng sữa, khi đó chúng đã trở thành hạt gạo, chờ ngày chín để gặt đem về. Lúa được chia làm hai loại: lúa nếp và lúa tẻ. Lúa nếp có mùi thơm hơn, thường để đồ xôi, làm bánh; còn lúa tẻ là cây lương thực chính hàng ngày của người dân Việt Nam. Trong lúa tẻ lại được chia làm nhiều tiểu loại, với từng đặc trưng riêng.
Cây lúa có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người. Là loại lương thực phổ biến ở các nước châu Á, duy trì sự sống, sinh trưởng của con người. Dù trong những bữa cơm đơn sơ, đạm bạc hay cầu kì đắt đỏ cũng không thể thiếu đi bát cơm trắng, thơm, dẻo ngọt. Không chỉ vậy, lúa con là loại lương thực xuất khẩu chủ lực của một số nước như: Thái Lan, Việt Nam,… đem lại nguồn ngoại tệ lớn. Cây lúa không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu ăn uống của con người, mà trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, cho đất nước.
Không chỉ vậy, mọi bộn phận của lúa đều được tận dụng, thân của chúng sau khi gặt về cho trâu bò ăn hoặc làm chất đốt. Vỏ trấu dùng làm chất đốt thay củi. Như vậy, có thể thấy, ở nông thôn cây lúa có vai trò cực kì quan trọng.
Không chỉ đem lại cho con người cuộc sống no ấm, đầy đủ mà cây lúa còn là biểu tượng cho nền văn hóa Việt Nam – văn minh lúa nước. Là biểu tượng cho người nông dân cần cù, mộc mạc, hiền làng chăm chỉ:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm mô hạt đắng cay muôn phần
Ngoài ra, sự phát triển của cây lúa không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống kinh tế, xã hội mà nó còn có giá trị lịch sử. Bởi sự phát triển của cây lúa gắn liền với quá trình lịch sử nước ta, in những dấu ấn không thể phai mờ trong các thời kì lịch sử đầy thăng trầm. Chắc hẳn chúng ta vẫn không quên sự tích Bánh chưng bánh giày với chàng Lang Liêu cần cù, chịu khó được thần giúp đỡ tạo nên hai thứ bánh: bánh chưng – tượng trưng cho đất, và bánh giầy tượng trưng cho trời. Chỉ một hạt gạo bé nhỏ nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa, giá trị đối với đời sống tâm linh Việt Nam.
Lúa là loại lương thực phổ biến không chỉ của các nước châu Á mà đã trở thành lương thực của quan trọng của toàn thế giới. Cây lúa ngày càng khẳng định vững chắc hơn nữa, vị trí, vai trò của mình. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển, diện tích đất nông nghiệp, trong đó có diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp, cần có những biện pháp tích cực để đảm bảo diện tích trồng lúa, bởi đó cũng chính là cách đảm bảo an ninh lương thực.
Đề 3
Dàn ý: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em. (Loài chó)
Mở bài: Giới thiệu chó là loài động vật thông minh và tình cảm, là loài vật nuôi quen thuộc trong rất nhiều gia đình.
Thân bài:
– Đặc điểm, hình dáng : có 4 chân, lớp lông tùy từng loại mà có sự khác nhau, cơ thể chó dài và to, chiếc mõm dài thường hay lè lưỡi, đặc biệt chó có 3 mí mắt…
– Đặc tính :
+ Quá trình phát triển : mang thai trong bụng mẹ 60 – 62 ngày, sau 4 tuần tuổi có thể có 28 chiếc răng.
+ Tai và mũi cực thính, nhưng thị giác lại rất kém. Chó có 2 lớp lông, răng sắc nhọn, chạy rất nhanh
+ Đặc điểm sống : các tập tính, thói quen.
+ Vô cùng trung thành với chủ.
– Vai trò :
+ Trông giữ nhà cửa.
+ Thú cưng của con người.
+ Chó nghiệp vụ phục vụ điều tra.
Kết bài: Đánh giá chung về loài chó.
Đề 4
Dàn ý: Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh của quê em. (vẻ đẹp thắng cảnh chùa Hương).
Mở bài: Giới thiệu về di tích, thắng cảnh đó và nét đặc sắc mà em muốn nói tới : vẻ đẹp thiên nhiên của chùa Hương.
Thân bài:
– Giới thiệu chung về vị trí địa lí của toàn bộ khu vực chùa Hương.
– Dãy núi đá vôi tồn tại từ hơn 200 triệu năm mang vẻ đẹp kì thú với những tên gọi mang tính bí ẩn (Núi Long. Ly, Quy, Phượng…)
– Suối không sâu nhưng quanh co uốn lượn bồng bềnh.
– Động thực vật phong phú ,quý hiếm tạo nên môi trường sinh thái độc đáo, đa dạng.
– Các hang động huyền bí, ảo diệu.
– Những ngôi chùa đầy màu sắc tâm linh.
=> Khu thắng cảnh chùa Hương được hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên của đất trời, có núi sông, có hang động có chùa chiền. Một khung cảnh kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Kết bài: Cảm nghĩ của em (tự hào về di tích, thắng cảnh).
Soạn văn: Viết bài tập làm văn số 1 (hay nhất)
Học sinh xem đề bài bên trên.
Lời giải
Đề 1 : Cây lúa Việt Nam
Dàn ý
– Mở bài : Giới thiệu chung về sự gắn bó cây lúa trên đồng ruộng Việt Nam (có thể dẫn thêm ca dao, tục ngữ về cây lúa).
– Thân bài:
– Khái quát vai trò quan trọng của cây lúa với nền nông nghiệp Việt Nam. Đó không chỉ là nguồn lương thực chủ yếu mà còn là truyền thống.
– Đặc điểm cây lúa :
+ Sống chủ yếu nhờ nước nên được gọi là lúa nước.
+ Thân cây thẳng, nhỏ và dài, cao chừng 60 – 80cm.
+ Cấu tạo : rễ, thân, ngọn.
– Phân loại : có hai loại là lúa nếp (nấu lên dẻo và mềm) và lúa tẻ (là hạt lúa làm nên bữa cơm hàng ngày, khi nấu sẽ nở ra).
– Cách trồng lúa :
+ Gieo giống : hạt lúa sau khi ngâm ủ kĩ càng được gieo mọc thành mạ.
+ Cấy lúa : cấy mạ xuống đất (đất đã ngập nước được một thời gian để đất mềm), phù hợp với giống cây ưa nước.
+ Chăm sóc : thường xuyên thăm lúa để phát hiện sâu, chuột,… Giai đoạn này đôi khi gặp phải mưa bão sẽ rất vất vả.
+ Gặt lúa : khi lúa trĩu bông chín vàng thì gặt về và phơi phóng, bảo quản.
– Sản phẩm từ cây lúa :
+ Lương thực thiết yếu.
+ Làm nên nhiều đặc sản vùng miền các nơi : các loại bánh, cốm, cơm lam,…
+ Lá, thân lúa làm rơm rạ, thức ăn trâu bò…
+ Gắn với truyền thống lâu đời của nước ta, liên quan đến một số lễ hội.
+ Là gương mặt nông thôn Việt, là tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê.
– Kết bài: Cây lúa vô cùng quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam.
Bài văn mẫu
Nước Việt Nam ta hình thành và phát triển từ nền văn minh lúa nước. Khoảng 90% dân số nước ta sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Trong đó, cây lúa đóng vai trò chủ yếu. Bao nhiêu thế kỉ đã qua, con người và cây lúa gắn bó với nhau keo sơn bền chặt. Mồ hôi con người rơi đổ xuống từng luống cày mới lật, thấm vào từng tấc đất cho cây lúa ươm mầm vươn lên mượt mà xanh tốt. Đi từ Bắc chí Nam, dọc theo đường quốc lộ hay ven những rặng núi, những dòng sông, bao giờ ta cũng cũng thấy những cánh đồng lúa xanh tận chân trời hoặc vàng thắm một màu trù phú. Cây lúa là người bạn của con người, là biểu tượng của sự no ấm phồn vinh của đất nước.
Lúa thuộc loài thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa dài và mỏng, mặt lá nhám, gân lá chạy song song. Rễ của cây lúa không dài lắm, thường mọc với nhau thành chùm bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi thân cây. Hoa lúa nhỏ nhắn, mọc thành nhiều chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Hoa lúa cũng chính là quả lúa đồng thời trở thành hạt lúa sau này. Hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhuỵ ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.
Muốn lấy hạt gạo bên trong, con người phải trải qua nhiều công đoạn: gặt lúa, trục lúa về, phơi cho hạt thật khô. Sau đó đổ lúa vào trong cối, dùng chày mà giã liên tục cho lớp vỏ trấu bong tróc ra. Kế tiếp phải sàng sảy để lựa ra hạt gao chắc mẩy… Sau này, máy móc đã thay dần cho sức người, năng suất tăng dần theo thời gian, nhưng ở những vùng cao người ta vẫn dùng chày để giã gạo. Tiếng chày “cụp, cum” văng vẳng trong đêm gợi lên một cuộc sống lao động thanh bình mang đậm bản sắc riêng của người dân Việt.
Cây lúa ở nước ta có rất nhiều giống nhiều loại. Tuỳ vào đặc điểm địa lý từng vùng, từng miền mà người ta trồng những giống lúa khác nhau. Ở miền Bắc với những đồng chiêm trũng, người ta chọn lúa chiêm thích hợp với nước sâu để cấy trồng, miền Nam đồng cạn phù sa màu mỡ hợp với những giống lúa cạn. Ở những vùng lũ như Tân Châu, Châu Đốc, Mộc Hoá, Long Xuyên người ta chọn loại lúa “trời” hay còn gọi là lúa nổi, lúa nước để gieo trồng. Gọi là lúa “trời” vì việc trồng tỉa người nông dân cứ phó mặc cho trời. Gieo hạt lúa xuống đồng, gặp mùa nước nổi, cây lúa cứ mọc cao dần lên theo con nước. Đến khi nước rút, thân lúa dài nằm ngã rạp trên đồng và bắt đầu trổ hạt. Người dân cứ việc vác liềm ra cắt lúa đem về.
Ngày nay, ngành nghiên cứu nuôi trồng phát triển đã cho ra đời nhiều loại lúa ngắn ngày có năng suất cao như NN8, Thần Nông 8, ÔM, IR66…
Theo điều kiện khí hậu và thời tiết nước ta, cây lúa thường được trồng vào các vụ mùa sau: miền Bắc trồng vào các vụ lúa chiêm, lúa xuân, miền Nam chủ yếu là lúa Đông Xuân và lúa Hè Thu. Các loại lúa ngắn ngày thường không bị ảnh hưởng bởi vụ mùa.
Cây lúa đã mang đến cho dân ta hai đặc sản quí từ lâu đời. Đó là bánh chưng, bánh giầy và cốm. Bánh chưng bánh giầy xuất hiện từ thời Hùng Vương, biểu tượng cho trời và đất. Người Việt ta dùng hai thứ bánh này dâng cúng tổ tiên và trời đất vào những dịp lễ tết. Nó trở thành đặc sản truyền thống của dân tộc Việt.
Cốm, một đặc sản nữa của cây lúa. Chỉ những người chuyên môn mới định được lúc gặt thóc nếp mang về. Qua nhiều chế biến, những cách thức làm có tính gia truyền từ đời này sang đời khác đã biến hạt thóc nếp thành cốm dẻo, thơm và ngon. Nhắc đến cốm, không đâu ngon bằng cốm làng Vòng ở gần Hà Nội.
Tóm lại, cây lúa có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp. Cây lúa bao đời là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Đề 2: Thuyết minh về cây bàng ở quê em.
Bài văn mẫu
Dù đã đi ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc, nhưng tôi chưa từng nhìn thấy một cây bàng nào từng trải và to lớn như cây bàng phố tôi. Thân nó to, phải hai, ba vòng tay người lớn mới ôm xuể. Còn tán nó rộng, che kín cả một cái sân lớn diện tích cả trăm mét vuông. Sinh thời bác tôi bảo: Cây bàng lớn này dễ thường đã sống cả trăm năm, đáng được gọi là cây bàng cổ thụ.
Tuổi thơ tôi gắn bó với cây bàng cổ thụ. Tôi nhớ những lần trốn nắng, trú mưa trong sự chở che hào phóng của tán bàng, những lần thưởng thức mùi vị ngọt chát hấp dẫn của quả bàng chín, những lần nhấm nháp vị bùi bùi khó tả của nhân quả bàng và nhớ cả những lần đi bắt ve, những lần chơi trốn tìm hớ hênh quanh gốc bàng. Tất cả cho tôi hình dung về một khái niệm bàng của riêng đám trẻ phố tôi.
Tôi thích nhất là vào tiết rét lộc vào cữ tháng 2 âm lịch, theo cách phân chia mùa đông của các cụ nhà ta: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba cộc rét. Vào thời điểm ấy, những lộc bàng râm ran như thể đang mời mọc nhau, mời gọi nhau mọc, mời gọi nhau lớn cho kịp phủ kín cành vào đầu mùa hạ. Có thể nói: Lá bàng (cũng giống như một số cây khác thuộc hộ nhà xoan) có biểu hiện rõ nhất về sự chuyển mùa, nếu như có một ai đó chịu khó quan sát sự phát triển và tàn lụi lẫn sự đổi thay màu lá của nó. Có lẽ vì thế mà từ bao đời nay, đám trẻ hay lưu luyến mấy câu trong lời một vầi bài hát: Mùa đông lá đỏ, mùa hạ lá xanh…như một điệp khúc chào đón mùa hè quay trở lại (sau này tôi mới biết đây là phần mở đầu trong ca từ một ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân viết cho thiếu nhi vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước). Có một nhà thơ, trong khi nhìn ngắm mùa đông, nhìn ngắm màu đỏ của lá bàng mà đã viết được một bài thơ thật xúc động:
Vẫn gió bấc căm căm
Vẫn mơ hồ mưa bụi
Vẫn những lá bàng uốn cong mình mà cháy
Đỏ như khi phải từ biệt bầu trời
Anh chẳng biết thế nào để yêu em thêm nữa
Khi mùa đông tới gần….
Nhưng đến bây giờ thì cây bàng cổ thụ ấy không còn nữa. Vì lấy đất dành cho sự mưu sinh, người ta đã triệt hạ nó. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đứng trên mảnh đất từng gắn bó với cây bàng cổ thụ mà lòng không khỏi xót xa, tiếc nuối. Trong lòng tôi tự dưng thấy trống trải thiếu thốn…
Bây giờ, cứ mỗi khi nhìn thấy lá bàng đỏ rực lên sau khi hoàn tất chức phận của mình, để mà rụng về gốc, trong buổi giao mùa, tôi lại nao nao nhớ cây bàng cổ thụ. Cũng phải, vì nó là một phần kỷ niệm không thể thiếu trong khoảng trời thơ ấu và đáng nhớ của chúng tôi.