Soạn văn: Thuý Kiều báo ân báo oán
Để giúp các em học sinh học tốt môn Ngữ Văn lớp 9, hocthattot.vn đã sưu tầm, biên soạn các bài soạn văn phong phú từ ngắn gọn, đầy đủ đến chi tiết.
Trong bài học này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài học về “ Thuý Kiều báo ân báo oán”.
Nội dung chính
1. SOẠN VĂN THUÝ KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN SIÊU NGẮN
Tóm tắt: Thúy Kiều báo ân báo oán
Đoạn trích thuộc phần “Gia biến và lưu lạc”. Mến mộ tài năng đức hạnh của Kiều, Từ Hải (người anh hùng ) đã lấy Kiều sau khi chuộc nàng ra khỏi lầu xanh lần thứ hai. Từ Hải không chỉ đem lại cho Kiều một tấm tình tri ân tri kỷ mà còn giúp Kiều đền ơn, trả oán, thực hiện ước mơ công lý, chính nghĩa.
Bố cục
2 phần
– Mười hai câu đầu: Thúy Kiều báo ân.
– Hai mươi hai câu còn lại: Thúy Kiều báo oán.
Giá trị nghệ thuật
Đoạn trích miêu tả cảnh báo ân báo oán đối với hai nhân vật là Thúc Sinh và Hoạn Thư, qua đó làm nổi bật tấm lòng nhân nghĩa, cao thượng của Thúy Kiều đồng thời thể hiện ước mơ công lí, chính nghĩa theo quan điểm của quần chúng nhân dân: con người bị áp bức sẽ đứng lên cầm cán cân công lí.
Đọc – hiểu văn bản
Câu 1:
- Qua lời Kiều nói với Thúc Sinh, em thấy Kiều là người thế nào?
- Tại sao khi trả ơn Thúc Sinh, Kiều lại nói với Thúc Sinh về Hoạn Thư? Có sự khác nhau như thế nào trong ngôn ngữ của Kiều nói với Thúc Sinh và khi nói về Hoạn Thư.
Trả lời:
– Chàng Thúc Sinh khi được “gươm mời đến” thì “Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run”. Thúc Sinh run vì nhiều lẽ: trước cảnh ba quân gươm giáo sáng loà, run ; được chứng kiến Thuý Kiều đã trừng trị những kẻ đã gây bao đau khổ cho đời nàng như thế nào lại càng dễ run hơn nữa. Thúc Sinh không thể nghĩ rằng mình lại được trả ân bằng “gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” bởi trong thực tế, chàng ta chẳng có công lao gì nhiều với Thuý Kiều. Ngay cả khi chứng kiến vợ mình hành hạ Thuý Kiều, Thúc Sinh cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, không biết bênh vực thế nào.
Vậy tại sao Thúc Sinh lại được Thuý Kiều “báo ân” hậu hĩnh như thế? Lí giải được điều này, chúng ta sẽ hiểu thêm về Thuý Kiều, từ đó càng hiểu thêm nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du. Nhân vật Thuý Kiều đã được xây dựng rất nhất quán từ đầu đến cuối tác phẩm. Dù khi phải dằn lòng trao duyên cho Thuý Vân, khi một mình đối cảnh ở lầu Ngưng Bích hay khi có đủ vị thế để báo ân báo oán sòng phẳng thì Thuý Kiều vẫn luôn là người nặng tình nặng nghĩa:
Nàng rằng: “Nghĩa nặng tình non
Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?
Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân.
Tạ lòng, dễ xứng báo ân gọi là…”.
Lí lẽ của Thuý Kiều rất rõ ràng: đây không phải là sự báo ân mà là sự trả nghĩa, đúng hơn là trả cái tình mà Thúc Sinh đã dành cho nàng trước đây. Như vậy, đối với Thúc Sinh, Thuý Kiều đã không xử bằng lí mà bằng cái tình của nàng. Điều này có vẻ như không hợp với cách nghĩ thông thường, không thoả mãn được một số bạn đọc khó tính nhưng chính ở đây lại làm bật lên giá trị nghệ thuật của tác phẩm: Nguyễn Du đã không xây dựng nhân vật Thuý Kiều theo một công thức định sẵn. Ngược lại, ông đã tạo nên một nhân vật rất sinh động, rất đời thường. Kiều đã suy nghĩ, nói năng và hành động hoàn toàn hợp với phẩm chất và tính cách của nàng. Điều này càng được chứng minh rõ ràng hơn qua cảnh tiếp theo.
b.
– Khi nói với Thúc Sinh nàng sử dụng nhiều từ Hán Việt: nghĩa, tòng, phụ, cố nhân,… kết hợp với điển cố Sâm Thương. Cách nói trang trọng phù hợp với chàng thư sinh họ Thúc, đồng thời thể hiện được tấm lòng biết ơn trân trọng của Thúy Kiều.
– Khi nói về Hoạn Thư ngôn ngữ Kiều xuất hiện nhiều từ Thuần Việt: quỷ quái tinh ma, kẻ cắp bà già,… cách nói nôm na, binh dị phù hợp với đối tượng và mục đích giao tiếp.
Câu 2:
– Những lời đầu tiên Kiều nói với Hoạn Thư có giọng điệu thế nào?
– Thái độ của Kiều qua giọng điệu ấy?
Trả lời:
– Vị thế giữa hai người phụ nữ đã hoàn toàn đảo ngược. Trước đây, khi Hoạn Thư làm chủ tình thế, Thuý Kiều không những bị đánh đập mà còn bị làm nhục theo một cách thức rất riêng của Hoạn Thư. Nỗi đau tinh thần của Kiều lúc ấy còn lớn gấp hàng chục lần nỗi đau thể xác. Thế nhưng giờ đây, người làm chủ tình thế lại là Thuý Kiều. Chỉ cần nàng phẩy tay một cái, hẳn Hoạn Thư sẽ “thịt nát xương tan”.
Thuý Kiều đã khởi sự “báo oán” như thế nào?
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.
– Ngòi bút miêu tả của Nguyễn Du thật đáng nể phục. Nàng Kiều duyên dáng, thuỳ mị, “e lệ nép vào dưới hoa” ngày nào, giờ đối diện với kẻ thù, dường như đã hoá ra một con người khác. Nếu như Kiều ra lệnh trừng phạt Hoạn Thư ngay thì không có gì nhiều để bàn luận. Nhưng Kiều đang sung sướng hưởng thụ cảm giác của kẻ bề trên, đang tìm cách dùng lời nói để “rứt da rứt thịt” Hoạn Thư theo đúng cách mà trước đây mụ ta đã đối xử với nàng. Bằng giọng điệu đầy vẻ châm biếm, Kiều gọi Hoạn Thư là “tiểu thư”, cẩn thận báo cho mụ ta biết về “luật nhân quả” ở đời (“Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”). Kiều tin chắc vào chiến thắng đến mức sẵn sàng chấp nhận đấu khẩu!
– Khi nghe xong những lời “bào chữa” của Hoạn Thư, Thuý Kiều đã xuôi lòng mà tha bổng cho mụ, không những thế lại còn khen: “Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời” và tự nói với mình rằng: “Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen”.
Kết cục đó có thể bất ngờ với người đọc nhưng lại rất hợp lí với lô gích của tác phẩm. Đoạn “báo ân” với Thúc Sinh đã cho thấy: dù thế nào đi nữa, nàng vẫn là người phụ nữ đa sầu đa cảm, nặng tình nặng nghĩa. Một người phụ nữ như thế, thật khó có thể đối đầu được với một kẻ gian ngoan, quỷ quyệt như Hoạn Thư.
Câu 3: Trước thái độ của Kiều, Hoạn Thư đã xử trí ra sao?
Trả lời:
– Thế nhưng Hoạn Thư thật xứng với danh tiếng “Bề ngoài thơn thớt nói cười – Mà trong nham hiểm giết người không dao”:
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu
Khấu đầu dưới chiếu, liệu điều kêu ca.
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”.
– Giữa dáng điệu bề ngoài với lời nói bên trong của Hoạn Thư có cái gì đó rất mâu thuẫn. Nếu quả thật đã “hồn lạc phách xiêu”, Hoạn Thư khó có thể biện hộ cho mình một cách khéo léo như vậy. Không những khẳng định “ghen tuông chỉ là thói thường của đàn bà”, Hoạn Thư còn kể đến những việc mà tưởng như mụ đã “làm ơn” cho Thuý Kiều: cho ra nhà gác để viết kinh, khi Thuý Kiều trốn đã không đuổi bắt. Đó là những lí lẽ rất khôn ngoan mà Kiều khó lòng bác bỏ được. Thì ra, vẻ “hồn lạc phách xiêu” chỉ là bộ điệu mà mụ ta tạo ra để đánh vào chỗ yếu của Thuý Kiều. Đứng trước cơ hội duy nhất để có thể thoát tội, mụ đã vận dụng tất cả sự khôn ngoan, lọc lõi của mình.
– Qua đó thấy được Hoạn Thư là người “sâu sắc nước đời”, không những làm “chàng Thúc phải ra người bó tay” mà chính Kiều cũng ở vào hoàn cảnh khó xử: “Tha ra thì cùng may đời- Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”. Tuy nhiên, Kiều đã vượt qua hoàn cảnh khó xử bằng tấm lòng nhân hậu, tha cho Hoạn Thư.
Câu 4: Vì sao Thúy Kiều tha bổng cho Hoạn Thư? Những lời cuối cùng Kiều nói cho thấy nàng là người thế nào?
Trả lời:
– Bị những lời bào chữa của Hoạn Thư làm cho thuyết phục.
– Nhưng quan trọng hơn cả là nàng có tấm lòng vị tha bao dung nên đã tha cho Hoạn Thư.
Câu 5: Phân tích tính cách Kiều và Hoạn Thư
Trả lời:
Qua đoạn trích có thể thấy:
– Thúy Kiều là người trọng ân nghĩa. Những ai đã giúp đỡ nàng đều được nhớ tới và đến ơn xứng đáng. Còn với Hoạn Thư, nàng kiên quyết trừng phạt. Nhưng trước thái độ khôn ngoan kêu ca “đến mực, phải lời”, Kiều đã tha bổng. Nàng tha Hoạn Thư cho thấy Kiều là người không hẹp hòi, không nhỏ nhen, không cố chấp. Sự rộng lượng của nàng càng làm cho người ta, kể cả Hoạn Thư – kẻ thù, phải tâm phục, khẩu phục.
– Hoạn Thư là một người phụ nữ nham hiểm và hết mực khôn ngoan.
Luyện tập
Phân tích những biểu hiện đa dạng nhưng hợp lí, nhất quán trong tính cách của Thúy Kiều và Hoạn Thư.
Trả lời:
- Thúy Kiều
Mọi biểu hiện đa dạng phức tạp trong tính cách Thúy Kiều đều làm nổi bật vẻ đẹp từ tấm lòng vị tha, nhân hậu của nàng.
– Với tấm lòng nhân hậu nàng đã thả Thúc Sinh, ban thưởng hậu hĩnh.
– Không những vậy nàng còn tha bổng cho Hoạn Thư, kẻ đã gây cho Kiều biết bao khổ đau.
- Hoạn Thư
Mọi biểu hiện đa dạng phức tạp trong tính cách cho thấy nàng ta là người khôn ngoan, giảo hoạt. Điều này được thể hiện rõ qua lời lẽ tự bào chữa cho mình.
2. SOẠN VĂN THUÝ KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN CHI TIẾT
3. SOẠN VĂN THUÝ KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN HAY NHẤT
Soạn văn: Thuý Kiều báo ân báo oán (chi tiết)
Học sinh xem câu hỏi bên trên.
Lời giải
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Bố cục
– Phần 1 (mười hai câu thơ đầu): cảnh Thúy Kiều báo ân cho Thúc Sinh.
– Phần 2 (hai mươi hai câu thơ còn lại): Thúy Kiều báo oán Hoạn Thư.
Câu 1 (trang 108 sgk ngữ văn 9 tập 1):
Lời nói của Kiều với Thúc Sinh, ta thấy Kiều là người trọng nghĩa, rõ ràng trong mọi chuyện
+ Nàng cảm tạ ân đức Thúc Sinh khi chuộc nàng ra khỏi lầu xanh: gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân
+ Trong khi báo ân Thúc Sinh, Kiều nhắc đến Hoạn Thư chính vì bao nhiêu khổ của nàng đều do Hoạn Thư gây ra
+ Nàng nhận định Hoạn Thư là kẻ quỷ quái tinh ma, sẽ bị trừng phạt (phen này kẻ cắp bà già gặp nhau)
– Từ ngữ dùng với Thúc Sinh là từ Hán Việt trang trọng: nghĩa, chữ tòng, cố nhân, tạ
+ Khi nói về Hoạn Thư lời lẽ nôm na, dùng thành ngữ dân gian: quỷ quái tinh ma, kẻ cắp bà già, kiến bò miệng chén
→ Hành động trừng phạt theo quan điểm nhân dân được diễn đạt bằng lời ăn tiếng nói của nhân dân
Câu 2 (trang 108 sgk ngữ văn 9 tập 1):
Giọng điệu của Thúy Kiều trong đoạn thơ báo oán thể hiện sự mỉa mai.
+ Hoạn Thư bị đưa đến như một phạm nhân, Kiều vẫn chào hỏi, lại dùng từ xưng hô cũ “tiểu thư” khi vị thế hai người hoàn toàn thay đổi.
+ Sau sự mỉa mai, Kiều chỉ đích danh con người Hoạn Thư ác độc, nham hiểm xưa nay hiếm trong giới đàn bà (Đàn bà dễ có mấy tay- Đời xưa mấy mặt đời này mất gan)
– Liên tiếp các từ ngữ dùng theo nghệ thuật hoán dụ (tay, mặt, gan), khẳng định Hoạn Thư là người ghê gớm
+ Kiều nêu ra quy luật ác giả ác báo
→ Kiều thẳng tay trừng trị Hoạn Thư, dứt khoát, rõ ràng
Câu 3 (trang 108 sgk ngữ văn 9 tập 1):
Thái độ của Kiều, Hoạn Thư vô cùng hoảng hốt và sợ hãi
+ Sợ đến mức “hồn lạc phách siêu”
+ Bằng sự khôn ngoan, nàng lấy lại được bình tĩnh để gỡ tội
– Trình tự lý lẽ:
+ Đầu tiên tự nhận và nói về thân phận đàn bà, Hoạn Thư với Thúy Kiều cùng giới, cùng chịu thiệt thòi
+ Hoạn Thư cho rằng chuyện ghen tuông là chuyện thường tình, không thể tránh khỏi
+ Hoạn Thư kể tới việc đã nương tay cho Thúy Kiều: cho ra gác viết kinh, khi Kiều bỏ trốn đã không bắt
+ Hoạn Thư tỏ vẻ mụ “hồn lạc phách xiêu” và mong sự khoan hồng của Kiều
– Bằng lời lẽ không ngoan, lọc lõi tác động tới Thúy Kiều, khiến nàng từ việc muốn trừng phạt báo thù, Kiều đã tha cho Hoạn Thư
Câu 4 (trang 108 sgk ngữ văn 9 tập 1):
Thúy Kiều tha cho Hoạn Thư vì:
– Lời lẽ khôn ngoan của Hoạn Thư khi trình bày lí do xin tha tội
+ Ghen tuông là chuyện thường, trong tình huống chung chồng không thể đối xử khác
– Hoạn Thư thùa nhận tội lỗi của mình
– Hoạn Thư xin mở lượng khoan hồng: “còn nhờ lượng bể thường bài nào chăng”, Kiều không tha cho Hoạn Thư sẽ mang tiếng nhỏ nhen, cố chấp
– Đây là dụng ý của tác giả Nguyễn Du, không để Kiều trừng phạt dã man như trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà độ lượng, khoan hồng.
Câu 5 (trang 109 sgk ngữ văn 9 tập 1):
Thúy Kiều là người trọng ân nghĩa: báo ân người giúp đỡ, kẻ có oán phải chịu tội thích đáng
+ Dù Thúc Sinh không bảo vệ được Kiều nhưng vẫn nhớ và đền ơn
+ Với Hoạn Thư, Kiều kiên quyết trừng phạt, nhưng trước thái độ khôn ngoan, xin tha bổng, Kiều đã tha cho Hoạn Thư
– Kiều rộng lượng, không cố chấp, chính sự rộng lượng ấy khiến kẻ như Hoạn Thư phải tâm phục, khẩu phục
– Hoạn Thư người nham hiểm, độc ác nhưng khôn ngoan, lọc lõi
+ Bản chất Hoạn Thư ác độc, ranh mãnh: từng hành hạ Kiều tới đau đớn, ê chề
+ Người “bên ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao”
Nay vẫn quỷ quyệt, xảo trá, lọc lõi khiến Kiều xuôi lòng tha bổng
LUYỆN TẬP
– Nhân vật Thúy Kiều:
+ Yêu ghét rành mạch, rõ ràng, lúc ôn hòa, khi cương quyết, cứng rắn: nàng trả ơn đề nghĩa cho Thúc Sinh, ngược lại trừng phạt Hoạn Thư, kẻ từng ác độc với nàng
+ Hành động có tính đạo lý: người hiểu đạo lý, tha cho Hoạn Thư vì lí lẽ Hoạn Thư
– Nhân vật Hoạn Thư
+ Hoạn Thư trước sau đều là người khôn ngoan, lắm mưu, nhiều kế
+ Dù run sợ trước lời buộc tội của Kiều, Hoạn Thư vẫn tìm cách biện luận để thoát tội cho bản thân
+ Về tình cảm riêng, dù thừa nhận tài năng của Kiều nhưng thói ghen tuông trong kiếp lấy chồng chung là thường tình
Soạn văn: Thuý Kiều báo ân báo oán (hay nhất)
Học sinh xem câu hỏi bên trên.
Lời giải
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Bố cục
– Phần 1 (mười hai câu thơ đầu): cảnh Thúy Kiều báo ân cho Thúc Sinh.
– Phần 2 (hai mươi hai câu thơ còn lại): Thúy Kiều báo oán Hoạn Thư.
Câu 1 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
– Từ lời của Kiều nói với Thúc Sinh có thể thấy nàng rất trân trọng việc Thúc Sinh chuộc nàng khỏi lầu xanh. Nàng gọi Thúc Sinh là “Người cũ” mang sắc thái thân mật, gần gũi, rồi lại gọi là “cố nhân” mang sắc thái trang trọng.
– Kiều cũng nhắc về Hoạn Thư. Điều đó chứng tỏ vết thương lòng mà Hoạn Thư gây ra cho Kiều đang còn quá xót xa.
– Có sự khác nhau trong ngôn ngữ của Kiều nói với Thúc Sinh, Kiều dùng nhiều từ điển cố “Sâm Thương” cách nói trang trọng này phù hợp với chàng thư sinh họ Thúc đồng thời diễn tả được tấm lòng biết ơn trân trọng của Kiều. Còn lúc nói về Hoạn Thư, ngôn ngữ của Kiều lại hết sức bình dị. Nàng dùng những thành ngữ quen thuộc “Kẻ cắp bà già gặp nhau”, “Kiến bỏ miệng chén” với những từ Việt dễ hiểu: hành động trừng phạt kẻ ác theo quan điểm của nhân dân phải được diễn đạt bằng lời ăn tiếng nói của nhân dân.
Câu 2 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Những lời đầu tiên của Kiều nói với Hoạn Thư có giọng điệu mỉa mai, đay nghiến. Bằng giọng điệu đầy vẻ châm biếm, Kiều gọi Hoạn Thư là “tiểu thư”, cẩn thận báo cho mụ ta biết về “luật nhân quả” ở đời “càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”
Câu 3 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Hoạn Thư đưa ra những lí lẽ hết sức thuyết phục. Không những khẳng định “ghen tuông chỉ là thói thường của đàn bà”, Hoạn Thư còn kể đến những việc mà tưởng như mụ đã “làm ơn” cho Thuý Kiều. Hoạn Thư đã đánh vào chỗ yếu của Thuý Kiều. Đứng trước cơ hội duy nhất để có thể thoát tội, mụ đã vận dụng tất cả sự khôn ngoan, lọc lõi của mình.
Câu 4 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
– Thúy Kiều tha cho Hoạn Thư bởi những lí lẽ mà mụ ta đưa ra đã thuyết phục được Kiều. Hơn nữa Kiều là một người con gái hiểu lí lẽ và có tấm lòng thương người.
– Kết cục đó có thể bất ngờ với người đọc nhưng lại rất hợp lí với lôgic của tác phẩm. Qua đó mới khẳng định được phẩm chất tốt đẹp của nàng Kiều.
Câu 5 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Qua đoạn trích có thể thấy Thúy Kiều là người trọng ân nghĩa. Những ai đã giúp đỡ nàng đều được nhớ tới và đến ơn xứng đáng. Còn với Hoạn Thư, nàng kiên quyết trừng phạt. Nhưng trước thái độ khôn ngoan kêu ca “đến mực, phải lời”, Kiều đã tha bổng. Nàng tha Hoạn Thư cho thấy Kiều là người không hẹp hòi, không nhỏ nhen, không cố chấp. Sự rộng lượng của nàng càng làm cho người ta, kể cả Hoạn Thư – kẻ thù, phải tâm phục, khẩu phục. Hoạn Thư là một người phụ nữ nham hiểm và hết mực khôn ngoan.
LUYỆN TẬP
Những biểu hiện đa dạng nhưng hợp lí, nhất quán trong tính cách của Thúy Kiều và Hoạn Thư.
- Thúy Kiều:
– Có yêu, có ghét rõ ràng, lúc thì rất ôn hòa, lúc lại rất cương quyết, cứng rắn: Có ơn thì trả có nợ thì báo
– Mọi hành động của Thúy Kiều đều dựa trên nguyên tắc đạo lý
- Hoạn Thư: Trước sau Hoạn Thư đều là người khôn ngoan, mưu kế. Dù run sợ trước lời buộc tội của Kiều nhưng vẫn khôn khéo đưa ra được lời biện minh để thoát tội cho bản thân, lợi dụng lòng đồng cảm của Thúy Kiều.